NGUYÊN TẮC PHÒNG CHỐNG CÔN TRÙNG TRUYỀN BỆNH

Vào cuối thế kỷ 19, người ta đã phát hiện ra nhiều loài động vật, nhất là các loài côn trùng là trung gian (véc tơ) truyền một số bệnh quan trọng. Do không phải bệnh nào do véc tơ truyền cũng có vắc xin hoặc thuốc đặc hiệu để phòng và chữa trị, nên việc ngăn ngừa bệnh thường phải dựa vào phòng chống véc tơ. Phòng chống véc tơ không có nghĩa là tiêu diệt hoàn toàn các loài véc tơ, mà là khống chế hay hạn chế sự sinh sản, phát triển của véc tơ, với mục đích làm giảm hoặc nếu có thể loại trừ sự tiếp xúc giữa người với véc tơ truyền bệnh.

Rất khó để đưa ra những nguyên tắc phòng chống phù hợp hoàn toàn với mọi loài véc tơ, với mọi nơi và mọi thời điểm. Trong phần này chỉ nêu một số nguyên tắc mang tính tương đối áp dụng trong phòng chống véc tơ nói chung.

1.1. Các biện pháp can thiệp phòng chống véc tơ phải được xây dựng dựa trên những đặc điểm sinh thái học, sinh học véc tơ (thành phần loài véc tơ, phân bố, khả năng truyền bệnh, mùa sinh sản và phát triển, các giai đoạn phát triển, các đặc điểm liên quan đến vai trò truyền bệnh và mùa truyền bệnh …). Tiến hành giám sát véc tơ thường xuyên để nắm được diễn biến của các quần thể véc tơ theo không gian và thời gian là một hoạt động bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc này.

1.2. Chiến lược và biện pháp phòng chống véc tơ phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng quốc gia về tình hình bệnh tật, điều kiện kinh tế-xã hội, nguồn nhân lực, mạng lưới chăm sóc bảo vệ sức khoẻ…

1.3. Phòng chống có trọng tâm, trọng điểm: do có nhiều loài véc tơ truyền nhiều bệnh khác nhau, mức độ nguy hiểm của các bệnh do véc tơ truyền cũng khác nhau, cho nên không thể cùng một lúc tiến hành phòng chống tất cả các loài véctơ. Vì vậy, cần lựa chọn những bệnh có hại nhiều đến sức khoẻ để tập trung phòng chống những loài véc tơ truyền các bệnh quan trọng đó. Tuy nhiên, khi phòng chống một số loài véc tơ trọng tâm, cũng sẽ có tác động đến một số loài véc tơ khác. Chẳng hạn, khi phun tồn lưu hoặc tẩm màn với hoá chất diệt côn trùng để phòng chống muỗi Anopheles cũng sẽ có khả năng làm giảm một số loài muỗi và các loài côn trùng khác. Mặt khác, tiến hành các biện pháp phòng chống véc tơ không phải tràn lan khắp mọi nơi,mọi lúc, mà chỉ thực hiện ở những nơi và vào thời điểm cần thiết.

1.4. Sử dụng các biện pháp phòng chống véc tơ tổng hợp, kết hợp các biện pháp cơ – lý – hoá – sinh học… để phòng chống véc tơ, không độc tôn một giải pháp nào. Lồng ghép phòng chống véc tơ với các hoạt động, các chương trình y tế khác và chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

1.5. Tiến hành lâu dài, liên tục, các hoạt động phòng chống véc tơ được thực hiện nối tiếp nhau, thừa kế nhau với mức độ ngày càng hoàn chỉnh và nâng cao hiệu quả.

1.6. Xã hội hoá công tác phòng chống véc tơ, hoạt động phòng chống véc tơ với sự tham gia của cộng đồng:Vì các bệnh do véc tơ truyền tương đối phổ biến, nhiều người mắc, nên mọi người phải hiểu biết về bệnh và tham gia vào hoạt động phòng chống bệnh, trong đó có phòng chống véc tơ. Những biện pháp phòng chống véc tơ thích hợp với sự tham gia của cộng đồng cần phải: có hiệu quả; có tính khả thi; sử dụng phương tiện,vật liệu sẵn có; đơn giản, dễ thực hiện; được chấp nhận và phù hợp với tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng; an toàn đối với người và môi trường.

1.7. Hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp phòng chống véc tơ đến con người và môi trường. Các bịên pháp có hiệu quả cao trong phòng chống đối tượng đích mà an toàn cho các sinh vật khác và môi trường cần được coi trọng.

1.8. Các biện pháp phòng chống véc tơ phải đảm bảo cả hiệu quả phòng chống và hiệu quả kinh tế.

(Theo tài liệu “Kỹ năng nhận biết và phòng chống côn trùng gây bệnh, gây hại” của Viện Sốt Rét – Kí sinh trùng – Côn trùng trung ương)

CÔNG TY CỔ PHẦN KINGVINA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *